1. Tổng quan
Điện giật là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất có thể xảy ra bất ngờ trong cuộc sống hàng ngày. Dù chỉ trong tích tắc, một sự cố liên quan đến điện có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ tổn thương nhỏ như bỏng da đến những tổn thương nghiêm trọng như ngưng tim hay thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc nắm rõ cách sơ cứu khi gặp tình huống điện giật là điều cực kỳ cần thiết.
Hàng năm, hàng ngàn người trên khắp thế giới gặp phải tai nạn điện giật. Đặc biệt là những người làm việc trong ngành công nghiệp xây dựng, điện lực, hoặc thậm chí là những hộ gia đình bình thường với hệ thống điện kém an toàn.
Tại Việt Nam, Theo số liệu thống kê trong năm 2022 vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra 79 vụ tai nạn điện do người dân vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp làm 30 người tử vong, 65 người bị thương. Tai nạn thường xảy ra ở những người làm việc trong ngành công nghiệp xây dựng, điện lực và ở các hộ gia đình bình thường với hệ thống điện kém an toàn.
2. Sơ Cứu Khi Bị Điện Giật Theo 4 Bước Sau:
Việc sơ cứu người bị điện giật cần được tiến hành ngay lập tức khi phát hiện người bị nạn:
- BƯỚC 1: ĐẢM BẢO AN TOÀN – NGẮT NGUỒN ĐIỆN NGAY LẬP TỨC: Nếu bạn là người chứng kiến một ai đó bị điện giật, điều đầu tiên việc cần làm là ngắt nguồn điện hoặc tắt cầu dao. Lưu ý nguồn điện có thể xuất phát từ các nơi khác như các nhà lân cận, điện cao thế. Trong trường hợp không thể ngắt nguồn điện, hãy sử dụng vật liệu không dẫn điện (gỗ khô, nhựa) để tách người bị nạn khỏi nguồn điện.
- BƯỚC 2: GỌI CẤP CỨU 115: Khi bạn không thể ngắt được nguồn điện, hiện trường quá nguy hiểm và nạn nhân có những dấu hiệu đe dọa đến sự sống.
Nguồn: Electric Shock | First Aid Glossary (australiawidefirstaid.com.au)
Biên dịch và minh họa: Nguyễn Trọng Phúc
Lưu ý:
- Khi gọi cấp cứu 115 cần giữ bình tĩnh mô tả về tình huống và địa chỉ của hiện trường, làm theo hướng dẫn của Điều phối viên Tổng đài 115.
- Khi không còn nhu cầu cấp cứu (bệnh nhân đã tự di chuyển tới bệnh viện) cần thông báo lại cho Tổng đài 115 đã không còn nhu cầu cấp cứu y tế.
- BƯỚC 3: KIỂM TRA TÌNH TRẠNG NẠN NHÂN: Trước khi kiểm tra nạn nhân phải đảm bảo loại bỏ được nguồn điện và vật dẫn điện. Kiểm tra lần lượt các dấu hiệu của sự sống bao gồm: Sự tỉnh táo – Sự hô hấp – Vết thương (Bỏng, chấn thương, chảy máu)
- BƯỚC 4: CAN THIỆP SƠ CỨU: Trong các trường hợp sau
– Nếu nạn nhân bất tỉnh, còn thở: Để nạn nhân ở tư thế an toàn
Nguồn: australiawidefirstaid.com.au
– Nếu nạn nhân bất tỉnh, không thở: Tiến hành CPR ngay lập tức
Nguồn: australiawidefirstaid.com.au
– Nếu nạn nhân tỉnh, còn thở: Quan sát các tình trạng chấn thương, bỏng và sơ cứu (Nếu có)
Lưu ý:
- Trong trường hợp nạn nhân ngã từ độ cao trên 2 mét xuống hoặc bạn không chứng kiến được sự việc xảy ra. Hãy bất động, không di chuyển nạn nhân và chờ nhân viên Y tế đến.
- Tiếp tục cấp cứu người bệnh cho đến khi lực lượng chức năng đến.
- Phòng Tránh Điện Giật:
- Kiểm tra hệ thống điện định kỳ: Đảm bảo rằng các thiết bị điện và hệ thống dây điện trong nhà bạn luôn ở tình trạng an toàn.
- Sử dụng thiết bị điện đúng cách: Không sử dụng thiết bị điện khi tay ướt hoặc khi đứng trên bề mặt ẩm ướt.
- Trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu: Mỗi người dân nên được trang bị kiến thức về sơ cứu, đặc biệt là sơ cứu trong tình huống khẩn cấp như điện giật.
Hãy nhớ rằng, một sự hành động kịp thời có thể cứu sống mạng người. Việc nắm vững kiến thức an toàn về điện và sơ cứu người bị điện giật và các biện pháp sơ cứu điện giật không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp bảo vệ gia đình và cộng đồng khỏi những hiểm nguy tiềm ẩn.
Tham khảo
- Australia Wide First Aid, First Aid Manual eBook, Phiên bản 7.4; 2024.
- “Electric Shock | First Aid Glossary”. Australia Wide First Aid. (https://www.australiawidefirstaid.com.au/resources/glossary/electric-shock).
- 79 vụ tai nạn do vi phạm an toàn hành lang lưới điện năm 2022, EVN khuyến cáo (https://congthuong.vn/79-vu-tai-nan-do-vi-pham-an-toan-hanh-lang-luoi-dien-nam-2022-evn-khuyen-cao-244499.html)
TỔNG HỢP VÀ BIÊN SOẠN: Nguyễn Trọng Phúc-Phạm Đình Quyết