Nhận diện và sơ cứu ban đầu khi tiếp xúc với Kiến Ba Khoang

I. Giới thiệu 

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc Họ Staphylinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. 

Đặc điểm nhận dạng: 

  • Về kích thước: Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 – 1cm, ngang 2 – 5mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh.
  • Về màu sắc, chúng có đôi cánh có màu cam tối hay sẫm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra). Một đôi cánh trong suốt gấp gọn bên dưới cánh cứng. Đầu nhỏ có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước.

Hình 1. Hình thể kiến ba khoang (nguồn: Nikbakhtzadeh, 2008)

  • Về phân bố: Kiến ba khoang phân bố rộng khắp thế giới. Chúng thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, nơi có cỏ mọc xung quanh.

Kiến ba khoang được biết là người bạn tốt của bà con nông dân, vì nó chính là một trong những con thiên địch tốt nhất trên đồng ruộng, chuyên ăn của các loài sâu rầy gây hại hoa màu.

Tuy nhiên, trong dịch tiết và trên cơ thể của chúng lần có chứa pederin – một loại acid và một số loại vi trùng khác – nguyên nhân tạo mêm mụn mủ ở vùng da bị tổn thương. Khi da người tiếp xúc với chất tiết của chúng thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây rộp, bỏng, viêm da ngay tại vùng da đó.

II. Dấu hiệu nhận biết và các sơ cứu khi tiếp xúc với kiến Ba khoang

  1. Biểu hiện khi tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang
  • Ban đầu: người bệnh sẽ thấy hơi rát và đau, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da
  • 6 – 12 giờ: đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 – 5mm
  • 1 đến 3 ngày sau: thành bỏng nước, bỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 – 5 ngày.

[1]Pederin là một amid độc, gây rộp da, có hai vòng tetrahydropyran, được tìm thấy trong hemolymph của chi Paederus, thuộc họ Staphylinidae. Khi da tiếp xúc với pederin từ dịch tiết ra từ một con kiến ba khoang cái sẽ gây ra viêm da Paederus. Nó là một dạng phát ban thay đổi từ ửng đỏ nhẹ cho đến phồng rộp nặng, tùy thuộc vào nồng độ và thời gian phơi nhiễm.

 

 

 

Hình 2. San thương do độc tố pederin và paederus dermatitis gây ra

  1. Cách sơ cứu khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang
  • Rửa kỹ vùng bị kiến đốt bằng nước sạch và xà phòng.
  • Khi rửa cần thao tác nhẹ nhàng để tránh làm trầy xước hoặc vỡ vết thương.
  • Nhanh chóng sát khuẩn vết thương bằng Povidine hoặc cồn 70 oC
  • Theo dõi vùng da đó, tùy vào mức độ của vết thương, nếu vết thương giảm đau, đỏ, ngứa có thể theo dõi tại nhà, nhưng nếu tổn thương có dấu hiệu đỏ, đau, nổi mụn mủ thì cần tới cơ sở y tế gần nhất.
  1. Theo dõi triệu chứng:

– Theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có khả năng tiếp xúc.

– Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường, cần đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

  1. Các biện pháp loại bỏ khi phát hiện kiến ba khoang

Khi phát hiện kiến ba khoang, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Tránh xa kiến và khoanh vùng an toàn
  • Dùng vật dụng như giấy, bì nilon để bắt kiến, không được tiếp xúc trực tiếp vào con kiến.

Khi kiến ba khoang mà bị dậm hoặc nát trên bàn, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Không dùng tay trần chạm vào kiến đã bị dập nát.
  • Dùng khăn lau sạch vùng kiến dập nát, nếu được dụng dung dịch sát khuẩn (cồn, povidine) để sát khuẩn khu vực kiến dập nát.
  • Nếu có vùng da tiếp xúc với dịch tiết của kiến, cần rửa sạch bằng nước và xà phòng.
  • Sát trùng vùng da tiếp xúc bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Đắp khăn lạnh lên vùng da bị kích ứng để giảm phản ứng.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và sơ cứu đúng cách là rất quan trọng để ngăn chặn các tác hại do dịch tiết của kiến ba khoang gây ra.

Biên soạn: Phạm Đình Quyết – Trần Thị Ngân Nhi

Scroll to Top