Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong không do bệnh tật trên toàn thế giới, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 360.000 người chết do đuối nước, 90% ở các nước thu nhập thấp và trung bình và chủ yếu là tại các nước Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân có thể được cứu sống nếu những người xung quanh biết cách sơ cứu kịp thời và đúng cách. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước, giúp bạn có thể hành động nhanh chóng và hiệu quả khi gặp tình huống khẩn cấp.
Vậy khi tiếp cận một nạn nhân bị đuối nước điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là gì ?
- Nhận diện dấu hiệu đuối nước
Đuối nước thường diễn ra một cách lặng lẽ và khó có thể phát hiện được. Người bị đuối nước thường không thể gọi ‘Cứu’ vì họ đang cố gắng giữ đầu trên mặt nước để thở. Các dấu hiệu cần lưu ý bao gồm:
- Miệng mở ra nhưng không phát ra âm thanh.
- Đầu ngửa ra sau, miệng ngửa lên.
- Tay quạt nước, cố gắng giữ thân nổi.
- Mắt hoảng loạn hoặc trống rỗng.
- Cơ thể theo chiều dọc, không cử động chân hoặc có trường hợp sẽ không cử động được tay .
- Đưa nạn nhân ra khỏi nước một cách an toàn
Nếu bạn phát hiện có người đuối nước, việc đầu tiên chúng ta cần làm là hét lên cho những người xung quanh được biết và phải đảm bảo an toàn cho bản thân trước khi cố gắng cứu họ. Nếu có phao cứu hộ hoặc vật nổi, hãy sử dụng chúng để đưa nạn nhân vào bờ. Tránh tiếp cận nạn nhân trực tiếp nếu bạn không chắc chắn về khả năng bơi lội của mình hoặc không có đồ bảo hộ, vì họ có thể hoảng loạn và kéo bạn xuống nước.
- Kiểm tra và tiến hành hồi sức tim phổi (CPR)
Sau khi đưa nạn nhân lên bờ:
– Kiểm tra hô hấp: Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát lồng ngực hoặc cảm nhận hơi thở. Nếu nạn nhân không thở, bạn cần thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức.
– Thực hiện CPR: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên một bề mặt cứng. Quỳ cạnh ngực họ, đặt hai tay lên giữa hai núm vú và bắt đầu ấn mạnh xuống (độ sâu khoảng 5-6 cm) với tốc độ khoảng 100-120 lần mỗi phút. Sau mỗi 30 lần ấn ngực, thực hiện hai lần hô hấp nhân tạo nếu bạn đã được huấn luyện. Nếu không, hãy tiếp tục ấn ngực cho đến khi nạn nhân bắt đầu thở lại hoặc nhân viên y tế đến.
Và nếu họ đã có dấu hiệu tỉnh lại thì hãy đặt họ ở tư thế hồi phục như sau:
*Lưu ý: Khi ép tim chúng ta cần
- Giữ khuỷu tay tạo thành một đường thẳng vuông góc với thân người nạn nhân
- Khóa khuỷu tay, đảm bảo khuỷu tay không gập lại trong quá trình ép tim
- Gọi cấp cứu
Trong khi tiến hành sơ cứu, cần phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng của nạn nhân và địa điểm cụ thể để đội ngũ y tế có thể nhanh chóng đến hỗ trợ.
*Lưu ý: Tất cả các trường hợp đuối nước cần được kiểm tra bởi nhân viên y tế, vì đuối nước có thể gây ra tổn thương phổi và các biến chứng khác.
- Phòng ngừa
Để phòng ngừa đuối nước chúng ta có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Học bơi và an toàn dưới nước: Tất cả mọi người nên biết bơi và học cách tự bảo vệ khi ở trong nước.
- Giám sát liên tục: Luôn theo dõi trẻ em và cả người lớn khi họ ở gần nước, đặc biệt ở hồ bơi, sông, biển.
- Sử dụng áo phao: Mặc áo phao khi tham gia các hoạt động trên nước như bơi lội, chèo thuyền.
- An toàn tại hồ bơi: Đặt rào chắn, khóa cửa hoặc che chắn hồ bơi, và luôn có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.
- Không uống rượu bia khi bơi: Tránh sử dụng chất kích thích khi ở dưới nước để đảm bảo tỉnh táo và an toàn.
- Nâng cao kỹ năng cứu hộ: Học các kỹ năng sơ cứu và hồi sức tim phổi (CPR) để kịp thời ứng cứu khi xảy ra tình huống đuối nước.
- Chọn khu vực bơi an toàn: Chỉ bơi ở những khu vực có người cứu hộ hoặc nơi an toàn được đánh dấu rõ ràng.
Kết luận
Sơ cứu đuối nước là một kỹ năng quan trọng mà ai cũng nên biết. Bằng cách hành động nhanh chóng và đúng cách, bạn có thể cứu sống một người trong tình huống nguy hiểm này. Hãy luôn nhớ rằng sự an toàn của bản thân cũng rất quan trọng, và đừng ngần ngại gọi cấp cứu khi cần thiết.
Biên Soạn: Phạm Đình Quyết – Nguyễn Trà Mi